Sự phân bào tăng nhiễm (nội phân)
Như ta đã biết, để có sự phân bào xảy ra, tế bào phải trải qua giai đoạn S của interphase. Nghĩa là phải có sự tái bản ADN và tăng đôi số lượng NST. Tuy thế đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vì sau giai đoạn S còn có giai đoạn G2 và chính ở G2 hàng loạt chất protein được hình thành có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm sự nguyên phân.
Trong thực tế có nhiều trường hợp sau khi ADN được tái bản, NST đã được nhân đôi, nhưng tế bào không phân chia. Đây cũng là một phương thức phân bào bảo đảm cho sự tăng trưởng của mô và cơ quan mà không tăng cao số lượng tế bào, do kết quả của sự tăng lên số lượng NST trong nhân mà toàn bộ tế bào to thêm và thành đa bội. Ngày nay, người ta gọi tất cả các trường hợp trong đó có sự nhân đôi NST và ADN nhưng không có phân bào là nội phân.
Hiện tượng nội phân rất phổ biến trong tế bào gan. Tế bào gan chuột cống mới sinh là lưỡng bội có thể phân chia cho tế bào con là lưỡng bội (2n), nhưng một số tế bào sau khi ADN và NST tăng đôi mà không xảy ra sự phân bào và trở thành đa bội. Kết quả trong tế bào gan chuột cống trưởng thành có cả tế bào lưỡng bội (2n) và đa số là 4n, 8n, 16n. Hiện tượng nội phân thường gặp ở động vật không xương sống, động vật có xương sống và cả thực vật.
Thường người ta phân biệt 2 kiểu nội phân là nội nguyên phân (endomitose) và đa sợi hóa (polytenia)
Nội nguyên phân là trường hợp có sự nhân đôi NST, nhưng màng nhân không bị phá hỏng và tế bào không chia đôi. Nếu hiện tượng nội nguyên phân tiếp tục sẽ hình thành các nhân khổng lồ và đa bội rất lớn. Hiện tượng nội nguyên phân rất phổ biến trong giới sinh vật. Đa sợi hóa là khi các sợi nhiễm sắc thể trong NST được nhân đôi, nhưng không tách ra khỏi NST, do đó, số lượng sợi trong mỗi NST tăng lên mà NST không tăng và không có sự phân chia tế bào. Hiện tượng đa sợi cũng sẽ dẫn đến đa bội hóa và khối lượng nhân cũng như khối lượng tế bào chất đều tăng ứng với mức đa bội.
DOWNLOAD:
0 Response to "Sự phân bào nội phân - Phân bào tăng nhiễm"
Đăng nhận xét