Phân biệt phản xạ không điều kiện và có điều kiện

blogger templates
Phân biệt phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện
  Phản xạ từ tiếng La tinh (reflexio) có nghĩa là phản ánh. Hiện nay có thể hiểu phản xạ là sự phản ứng của cơ thể đối với sự kích thích vào các thụ cảm thể và được thực hiện với sự tham gia của hệ thần kinh trung ương, bảo đảm cho cơ thể thích ứng với môi trường sống. Mỗi phản xạ hầu như luôn luôn là phức hợp của các phản xạ không điều kiện và có điều kiện. Hai loại phản xạ này thống nhất với nhau thành một hoạt động phức tạp. Tuy nhiên, theo sự phát sinh của chúng thì hai loại phản xạ này hoàn toàn khác biệt nhau.

 Các phản xạ không điều kiện là phản xạ bẩm sinh, được di truyền, mang tính chất của loài, tương đối ổn định trong suốt đời sống của cá thể, là phản xạ phát sinh khi có kích thích thích ứng tác động lên các trường thụ cảm nhất định.  Các phản xạ có điều kiện là các phản xạ tập nhiễm được trong đời sống của cá thể, mang tính chất của cá thể, có thể bị mất đi khi điều kiện tạo ra nó không còn nữa, là phản xạ có thể được hình thành với các loại kích thích khác nhau tác động lên các trường thụ cảm khác nhau.  

 Toàn bộ các phản xạ không điều kiện theo ý nghĩa chức năng của chúng có thể chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó chủ yếu có các phản xạ dinh dưỡng, phản xạ tự vệ, phản xạ sinh dục, phản xạ vận động, phản xạ định hướng. Trong số các phản xạ dinh dưỡng có phản xạ nhai, phản xạ nuốt, phản xạ mút, phản xạ tiết các dịch tiêu hoá ... Các phản xạ tự vệ là các phản ứng tránh kích thích gây đau và có hại cho cơ thể. Trong các phản xạ sinh dục có các phản xạ liên quan với sự thực hiện động tác giao hợp, phản xạ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Các phản xạ vận động là các phản ứng duy trì tư thế và chuyển dời các bộ phận cũng như toàn cơ thể trong không gian. Phản xạ định hướng là phản xạ phát hiện cái mới.

 Các phản xạ có điều kiện được thành lập trên cơ sở của bất cứ phản xạ không điều kiện nào, nên có thể phân loại các phản xạ có điều kiện theo các phản xạ không điều kiện. Tuy nhiên, theo cách thức hình thành, theo tính chất của các kích thích có thể phân chia các phản xạ có điều kiện thành các phản xạ có điều kiện tự nhiên, phản xạ có điều kiện nhân tạo.

 Phản xạ có điều kiện tự nhiên là các phản xạ có điều kiện được hình thành với các dấu hiệu hay đặc điểm tự nhiên của kích thích không điều kiện, ví dụ như mùi của thịt ...

Một lần nào đó chó được ăn thịt, sau đó ngửi thấy mùi thịt, ở chó xuất hiện phản xạ tiết nước bọt. Đặc  điểm của phản xạ có  điều kiện tự nhiên là bền vững, chúng  được hình thành nhanh chóng, chỉ sau một hoặc vài lần con vật nhận được đặc điểm tự nhiên của kích thích có điều kiện. 
Phản xạ có điều kiện ở chó

 Phản xạ có điều kiện nhân tạo được thành lập với các tác nhân không có các dấu hiệu tự nhiên liên quan với phản xạ không điều kiện. Phản xạ tiết nước bọt có điều kiện ở chó đối với tín hiệu ánh sáng đèn là một ví dụ về một phản xạ có điều kiện nhân tạo. Ánh sáng đèn không có những tính chất có thể gây tiết nước bọt. Các phản xạ có điều kiện nhân tạo là khó thành lập, không bền vững nên phải thường xuyên củng cố. Để có được phản xạ cần phải lặp đi, lặp lại nhiều lần giữa tín hiệu có điều kiện với kích thích không điều kiện. Ví dụ , phối hợp nhiều lần giữa ánh sáng đèn với thức ăn là kích thích không điều kiện gây tiết nước bọt thì ánh sáng đèn mới gây tiết nước bọt. Kích thích không điều kiện được gọi là tác nhân củng cố của tín hiệu có điều kiện.
Đọc thêm»

0 Response to "Phân biệt phản xạ không điều kiện và có điều kiện"

Đăng nhận xét