Cỏ thạch sùng là loại cỏ mọc hoang ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Sa Pa, còn gọi là cỏ lưu ly, tên khoa học là Cynoglossum zeylanicum (Valhl) Thunb. ex Lehm, thuộc họ Vòi voi - Boraginaceae. Là loại cây thân thảo, có lông nhám. Lá dưới thân có cuống dài, lá trên ôm thân; phiến thon, đến 10 x 3cm, hai đầu nhọn, gân phụ 6 – 7 cặp. Xim bò cạp từng cặp ở ngọn nhánh, dài; hoa cao 2mm, rộng 2mm; lá đài nhọn; đầy lông; tràng có ống có 5 vẩy, thùy xoan, đầu lõm, nhị 5. Quả có gai nhỏ. Cỏ thạch sùng giàu dược tính nên được dùng làm thuốc. Bộ phận dùng là rễ và lá - Radix et Folium Cynoglossi. Thường được thu hái rễ vào mùa xuân, hạ, dùng tươi hay phơi khô để dùng.
Đông y cho rằng, cỏ thạch sùng có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng giảm đau và điều kinh. Thường được dùng để trị nhiều bệnh như trị mụn nhọt mưng mủ; rắn độc cắn; vết thương do dao chém thương tích; gãy xương; kinh nguyệt không đều; chứng vàng da. Liều dùng trung bình từ 12 – 16g, cho dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy rễ, lá tươi giã đắp, nấu nước rửa.
0 Response to "Vẻ đẹp của Cỏ Thạch sùng"
Đăng nhận xét